QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC GIỐNG DƯA LÊ CUNG ĐÌNH

QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC GIỐNG DƯA LÊ CUNG ĐÌNH  

  1. Đặc điểm của giống Dưa lê Cung Đình
    – Sinh trưởng phát triển rất khỏe, sạch bệnh, chịu nước tốt.
    – Chất lượng thơm ngon, siêu ngọt, mẫu mã quả đẹp, quả trắng khi chín chuyển màu ánh kim.
    – Năng suất cao và ổn định.
    – Giống có khả năng thích ứng rộng, trồng được nhiều vụ trong năm và nhiều vùng sinh thái khác nhau

– Thu hoạch sau trồng 55 – 60 ngày. Năng suất trung bình từ 22 – 25 tấn/ha.

  1. Mùa vụ gieo trồng

Giống thích hợp trồng ở điều kiện nhiệt độ từ 20 – 320C.  Thời vụ gieo trồng: Cả nước từ tháng 2 tới tháng 9.

  1. Chuẩn bị đất trồng và mật độ trồng

Dưa lê yêu cầu đất nghiêm khắc do bộ rễ yếu và sức hấp thụ của rễ kém, nếu gặp hạn hay úng hoặc nồng độ phân cao, bộ rễ dưa dễ bị vàng khô, vì thế nên trồng dưa trên đất có thành phần cơ giới nhẹ như cát pha, đất thịt nhẹ thoát nước tốt, có nhiều chất hữu cơ, pH từ 6,5 – 7,5. Đất trồng không quá phèn, mặn (kiềm), nếu độ pH dưới 5 thì phải bón thêm vôi.

Chọn đất vụ trước không trồng họ bầu bí (dưa lê, dưa hấu, bí rợ…) là tốt nhất. Đất trồng dưa lê phải cày bừa kỹ cho tơi xốp, làm sạch cỏ, trồng vào mùa mưa phải lên luống cao 30 – 35 cm và đào rãnh thoát nước tốt. Luống trồng có thể phủ bạt nylon để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Làm luống rộng 2 – 2,4 m.

Mật độ trồng: hàng cách hàng 2 – 2,4 m, cây cách cây 50 cm.

Lượng hạt gieo trồng cho 1.000m²: 40 – 50 gam

Lưu ý: Để đảm bảo cho năng suất tối ưu cần đảm bảo đúng mật độ trồng.

Bấm ngọn, ghim nhánh: Khi thân chính được 5 lá thì bấm ngọn để cho 2 nhánh cấp 1 phát triển, khi nhánh cấp 1 được 5 -6 lá thì bấm ngọn để cho 5 nhánh cấp 2 phát triển, khi nhánh thứ 2 được 5 – 6 lá thì bấm ngọn để 5 nhánh cấp 3 phát triển.

Khi bấm ngọn 3 lần một cây dưa có thể có 42 hoa cái có khả năng cho trái. Mỗi cây dưa chỉ nên để 3 – 6 trái tuỳ theo lực của cây. Để tránh bị gió lật giây dưa nên dùng đất phủ lên dây dưa từng quảng 50 – 60 cm, hoặc dùng gim tre để cố đinh dây dưa.

Tưới nước: Cây ưa ẩm, không chịu được ngập úng. Do vậy, cần cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh ngập úng gốc sẽ làm ảnh hưởng đến rễ, tưới 2 ngày 1 lần bằng nước sạch, chỉ tưới lướt chứ không cần tưới đẫm nước.

  1. Phân bón và cách bón phân:

Phân bón: Lượng phân tổng số tính cho 1 ha/vụ:

Phân chuồng hoai: 25 – 30m3; phân hữu cơ vi sinh: 1.000kg; vôi bột: 800-1.000kg, tùy theo pH đất canh tác;

– Phân vô cơ lượng nguyên chất: 150 kg N – 95 kg P2O5 – 160 kg K2O.

Lưu ý: Chuyển lượng phân hóa học nguyên chất qua phân đơn hoặc NPK tương đương:

Bón lót toàn bộ phân chuồng hoai, phân hữu cơ vi sinh, vôi bột, lân khi làm đất.

Bón thúc lần 1: Sau khi cây mọc 7 – 10 ngày bón thúc lần 1, 20% lượng đạm.

Bón thúc lần 2: Sau khi có hoa cái, bón 30 % Đạm + 60% Kali.

Bón thúc lần 3: Sau lần bón 2, 10 ngày 50% Đạm + 40% Kali.

Với những đất canh tác lâu năm và sử dụng nhiều phân hóa học nên bón hoặc tưới thêm phân trung vi lượng, Canxi, Bo, … sau trồng khoảng 10 – 15 ngày.

  1. Sâu bệnh hại

Trong quá trình chăm sóc chú ý phòng trừ các loại sâu bệnh hại:

  • Sâu hại: Rầy, Bọ trĩ, Sâu ăn lá, Đục quả, Giòi đục thân
  • Bệnh hại: Bệnh héo rũ, bệnh héo chết cây con, thán thư, sương mai, khảm virus, phấn trắng.

Biện pháp phòng trừ:

Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM

Biện pháp canh tác kỹ thuật: Vệ sinh vườn, cắt tỉa các lá già vàng úa tiêu hủy, luân canh cây trồng khác họ. Bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ. Kiểm tra đồng ruộng phát hiện và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh. Thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng.

Biện pháp sinh học: Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh. Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao để bảo vệ các loài ong ký sinh của ruồi đục lá, các loài thiên địch bắt mồi như nhện, bọ đuôi kìm…

Biện pháp vật lý:

Sử dụng bẫy màu vàng, bôi các chất bám dính: dùng nhựa thông (Colophan) nấu trộn với nhớt xe theo tỉ lệ 4/6,  bẫy Pheromone dẫn dụ côn trùng.

Có thể sử dụng lưới ruồi cao từ 1,5 – 2,8 m che chắn xung quanh vườn hạn chế ruồi đục lá, sâu, côn trùng gây hại bay từ vườn khác sang.

Dùng bẫy cào đuổi bắt ruồi vào buổi sáng sớm.

Biện pháp hóa học:

Sử dụng thuốc phải cân nhắc kỹ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thuốc) và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng. Phun khi bệnh chớm xuất hiện.

Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết, theo các yêu cầu sau

+ Không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau.

+ Chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người.

+ Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc)

Chú ý: luôn quan sát cây trồng, phát hiện sâu bệnh khi mới xuất hiện, phun các loại thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của cục BVTV hoặc đơn vị quản lý BVTV của địa phương và luôn tuân thủ các quy định về an toàn lao động khi sử dụng thuốc cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng sản phẩm.

  1. Thu hoạch, sơ chế, bảo quản

Thu hoạch: Trong quá trình chăm sóc nên che quả dưa bằng lá để quả dưa không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp làm mất màu tự nhiên và xuất hiện nhiều vân xanh. Dưa lê khi chín có mùi thơm hấp dẫn con trùng đến phá nên cần phải kê kích quả ngay tu khi quả còn xanh.

Từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 60 ngày, từ lúc hoa cái tàn đến khi quả chín khoảng 30 – 35 ngày, lúc này quả dưa có màu trắng sáng (bạch lê). Thời gian cho thu hoạch rộ khoảng 25 – 30 ngày. Thu hoạch dưa xong cần xếp dưa ở nơi thoáng mát khoảng 1 – 2 ngày để tăng phẩm chất và hương vị dưa lê.

Bài viết liên quan