Vũng liêm có diện tích cây ăn trái trên 6000 ha. Trong đó bưởi 1994.3 ha, sầu riêng 1077.6 ha, xoài 1014.2 ha, cam 1747.4 ha……..Hiện nay tình hình hạn mặn ngày càng trở nên gay gắt đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp trong đó có các xã trồng cây ăn trái như xã Thanh Bình, Quới Thiện, Quới An, Trung Chánh, Tân Quới Trung…. Vì vậy cần phải nắm vững tác hại nhiễm mặn và các giải pháp phòng chống hạn mặn như sau:
Khi nước bị nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đối với đất và cây trồng như sau:
– Đất bị nhiễm mặn do chứa nhiều các loại muối hòa tan trong đất. Các muối này chủ yếu là muối của các ion SO42-, Ca2+, Mg2+, K+, Na+, Cl– làm đất bị mất kết cấu.
– Thời điểm vườn cây bị nhiễm mặn cũng là thời điểm mùa khô hạn làm đất bị khô cằn, nứt nẻ, nước ở các ao, mương trong vườn cây bị khô cạn tạo điều kiện cho phèn tiềm tàng hoạt động sẽ gây hại cho cây trồng
– Khi vườn cây bị nhiễm mặn và khô hạn đã làm ảnh hưởng đến mật số và sự hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong đất từ đó đã làm giảm sự khoáng hóa các chất dinh dưỡng do các vi sinh vật này tạo ra vì vậy việc rể lấy dinh dưỡng nuôi cây bị hạn chế dẫn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây kém.
-Tùy theo độ mặn, ngưỡng chịu mặn của các loại cây trồng và giai đoạn phát triển của cây mà nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển và năng suất của cây trồng. Một số cây mẫn cảm với mặn sẽ bị chết như sầu riêng, chôm chôm….Khi đã nhiễm mặn trong đất thì vườn cây ăn trái sẽ bị ảnh hưởng lâu dài.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình xâm nhập mặn, hạn hán nông dân cần có những giải pháp ứng phó để bảo vệ vườn cây ăn trái hiện tại và những năm tới.
Củng cố hệ thống cống bọng để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập vào các ao, mương vườn.
-Nạo vét các kênh mương trong vườn để khi có nguồn nước ngọt, tranh thủ tích nước và tưới giữ ẩm đồng thời để dự trữ nước ngọt trong mương hay dự trữ trong túi nylon dày đặt gốc cây để tưới thời điểm mặn xâm nhập.
-Cần nắm vững ngưỡng chịu mặn của các loại cây trồng để có biện pháp canh tác trong thời điểm xâm nhập mặn, hạn hán phù hợp từng loại cây trồng.
-Cập nhật thường xuyên về tình hình xâm nhập mặn, độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý phù hợp. Vài hộ nông dân lân cận trong vùng có thể sắm máy đo độ mặn để kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới cho vườn.
-Sử dụng rơm rạ, cỏ khô, lá dừa, lá khô, lục bình … phủ gốc để giữ ẩm cho đất. Tránh để bị nứt đất kích thích phèn tiềm tàng hoạt động.
-Cắt tỉa cành sâu bệnh, tỉa bớt nụ, hoa, trái để hạn chế thoát hơi nước.
-Sau khi hết hạn, mặn cần thường xuyên tháo nước trong ao, mương vườn để rửa phèn rửa mặn tích tụ trong đất.
Tăng cường bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, Humic, phân bón có chứa hàm lượng Lân cao,… tạo điều kiện cho hệ thống rễ hồi phục trở lại giúp cây hấp thu dinh dưỡng.Có thể phun phân bón lá có chứa Kali, Canxi, Magiê, Silic giúp cây tăng đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chịu mặn.
-Phun thêm phân bón lá và các chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10g/1 lít nước); Brassinolide (Nyro 0,01SL), Comcat 150WP, Vitazyme, Dekamon ….
Ngoài ra một số đối tượng dịch hại cũng phát triển mạnh và gây hại nặng cho vườn cây ăn trái trong mùa hạn mặn cần quan tâm thường xuyên thăm vườn và có biện pháp xử lý kịp thời.
– Chuyển đổi cây trồng, sử dụng giống cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn.
Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết hiện nay, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng, nhà vườn cần theo dõi thường xuyên tình hình xâm nhập mặn để ứng phó kịp thời, đảm bảo vườn cây phát triển và ổn định thu nhập cho nhà vườn.